Search
Close this search box.

Các câu hỏi thường gặp về mô hình trồng rau sạch Aquaponics

Khi xây dựng mô hình trồng rau sạch Aquaponics tại nhà, bạn dễ nảy sinh nhiều thắc mắc không biết hỏi ai, nhất là lần đầu bắt tay vào thực hiện. Nhà Đẹp Số đã tổng hợp 10 câu hỏi dành cho những “tay mơ” về mô hình trồng rau sạch Aquaponics. Hy vọng sẽ giúp ích cho bạn trong giải đáp các câu hỏi thường gặp về hệ Aquaponics.

Các câu hỏi thường gặp về mô hình trồng rau sạch Aquaponics

Câu hỏi 1: Mô hình trồng rau sạch Aquaponics là gì?

Đáp: Aquaponics được ghép thành bởi hai từ Aquaculture (nuôi trồng thủy sản) và Hydroponics (thủy canh) là hệ sinh thái khép kín có sự tham gia của 3 yếu tố quan trọng: cây trồng, cá và vi sinh vật.

Xem thêm: Mô hình Aquaponics là gì?

Câu hỏi 2: Mô hình trồng rau sạch Aquaponics hoạt động ra sao?

Đáp: Nguyên tắc hoạt động của mô hình Aquaponics như sau:

-Thức ăn cho cá là đầu vào của hệ thống Aquaponics. Khi cá ăn thức ăn, bài tiết chất thải thì hệ vi sinh vật giúp biến đổi chất thải đó thành dưỡng chất đóng vai trò như phân bón cần thiết cho cây.

-Hai loại vi khuẩn chủ yếu tham gia vào quá trình chuyển hóa này là Nitrosomonas và Nitrobacter. Mỗi loại vi sinh vật góp mặt trong mỗi giai đoạn giúp biến đổi từ chất thải của cá thành dưỡng chất nuôi cây trồng.

-Vi khuẩn nitrifying tham gia vào mô hình Aquaponics với vai trò giúp biến đổi amonia có trong chất thải của những chú cá thành nitrit. Nitrit được biến đổi thành nitrat – một dạng nitơ mà rau củ quả dễ hấp thu. Ngoài ra, các chất thải rắn của cá nuôi thì biến đổi thành phân compost cũng là nguồn thức ăn tốt cho rau củ quả phát triển.

-Cây trồng trong hệ thống trả nước lại cho hồ cá sau khi đã hấp thụ chất dinh dưỡng.

Câu hỏi 3: Có mấy loại Aquaponics?

Đáp: Có 4 loại Aquaponics phân chia theo phương pháp cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cây.

Phương pháp canh tác nước sâu (DWC)

Phạm vi: Áp dụng cho trồng rau trộn hay các cây trồng cho năng suất không cao. Đôi khi phương pháp này cũng được dùng với quy mô thương mại lớn.

Muốn phát triển mô hình trồng rau sạch theo phương pháp canh tác nước sâu, bạn cần dùng đến một chiếc bè bọt nổi được trên mặt nước. Thả chiếc bè này trong một kênh đầy nước (nước được lấy từ bể nuôi cá đã qua xử lý chất thải rắn). Tiếp sau đó, đặt cây trồng vào những lỗ trong chiếc bè này sao cho rễ được tự do trong nước giàu dưỡng chất và oxy cần thiết.

Phương pháp khay giá thể truyền thống

Phạm vi: Áp dụng cho các hệ thống tại nhà với các loại cây trồng dựa theo sở thích: cây ăn quả, rau ăn lá, thảo mộc, …

Để phát triển mô hình trồng rau thủy canh theo phương pháp thứ hai này, bạn cần dùng các khay giá thể với những viên đất được nung đến mức nhiệt độ hàng nghìn độ C hoặc đá phiến sét. Với phương pháp này, bạn không cần thay đất. Bởi đất loại này có khả năng lọc sinh học và lọc cơ (loại bỏ các chất thải rắn) hoàn hảo.

Chất dinh dưỡng sẽ được cung cấp cho cây trồng định kỳ theo phương pháp dâng ngập xả cạn nhờ trong mỗi khay rau có giá thể.

Phương pháp màng dinh dưỡng (NFT)

Phạm vi: Áp dụng cho các loại cây trồng như thảo mộc, dâu tây ở các không gian tưởng chừng như không thể trồng cây được vì phương pháp này có thể treo được từ trần nhà.

Nếu muốn áp dụng phương pháp màng dinh dưỡng thì cần dùng một máng hẹp như ống nhựa PVC chẳng hạn. Với máng hẹp này, dòng nước với nhiều dưỡng chất sẽ chảy trong máng. Các cây trồng thì được đặt bên trong những lỗ đã khoan sẵn trong ống đảm bảo sao cho phần rễ cây được treo tự do.

Phương pháp khí canh trụ đứng

Phạm vi: Áp dụng cho rau ăn lá, dâu tây và những loại cây trồng ít cần chăm sóc khác.

Để áp dụng phương pháp này, bạn cần dùng đến những rọ trồng cây để xếp chồng chúng lên nhau theo dạng hình tháp thẳng đứng. Nguồn nước sẽ được bơm chảy qua chúng và rễ cây được hấp thu dưỡng chất, oxi trong nước theo cách này. Phần nước cuối cùng sẽ trực tiếp chảy vào bể cá phía dưới.

Ngoài 4 phương pháp trên còn có phương pháp dâng ngập xả cạn không có giá thể. Với phương pháp này, bạn cần một tấm xốp giữ rọ cây phía trên và đảm bảo rễ cây được treo lơ lửng trong khay rau. Rễ cây sẽ được bơm nước có chứa dinh dưỡng và oxy theo phương pháp dâng ngập và xả cạn định kỳ.

Câu hỏi 4: Kích thước bể cá bao nhiêu là phù hợp cho mô hình trồng rau sạch Aquaponics?

Đáp:

Kích thước bể cá bao nhiêu còn phụ thuộc vào phương pháp cung cấp chất dinh dưỡng cho cây nhiều hay ít nước. Do đó, bạn cần xác định sẽ xây dựng mô hình theo loại Aquaponics nào trong số các phương pháp vừa liệt kê bên trên để tính toán kích thước bể cá cho phù hợp.

-Đối với 3 phương pháp khay giá thể, canh tác nước sâu và dâng ngập xả cạn, không có giá thể: Do cần rất nhiều nước để cung cấp oxy và dưỡng chất cần thiết nên phải chọn bể cá có kích thước lớn. Khi đó, nước mới bơm đầy được khay trồng rau đồng thời bể cá cũng không quá cạn.

-Đối với 2 phương pháp màng dinh dưỡng và khí canh: Do nước được tuần hoàn và hồi lưu liên tục nên không cần phải chọn bể cá kích thước to làm gì.

Câu hỏi 5: Mô hình trồng rau sạch Aquaponics cần cường độ ánh sáng như thế nào?

Đáp:

Ánh sáng vốn quan trọng cho quá trình quang hợp của cây cối. Ở mô hình trồng rau sạch tại nhà Aquaponics thì ánh sáng còn quyết định đến sản lượng rau khi thu hoạch. Tùy vào vị trí bạn trồng, cùng 1 loại rau có thể cho ra sản lượng khác biệt rõ rệt. Với vị trí nhiều nắng thì sản lượng của cây gấp từ 3-4 lần cây ở vị trí thiếu nắng.

Tuy nhiên, cường độ ánh sáng cho mỗi hình trồng rau sạch Aquaponics là khác nhau do nó còn tùy thuộc vào từng loại cây bạn trồng là gì.

Trong trường hợp bạn muốn trồng được tất cả loại cây ở hệ aquaponics của gia đình mình thì điều cần thiết nhất là bạn phải bố trí hệ này nằm ở các vị trí như sân thượng hay ban công tức là những nơi trực tiếp hứng được ánh sáng mặt trời.

Để che chắn cho cây trồng, bạn có thể lợp bằng tấm nhựa trong phía bên trên mô hình hoặc tấm lưới cản sáng nếu trồng loại cây, rau thủy canh ưa bóng râm.

Câu hỏi 6: Rau trồng trong mô hình Aquaponics có nguy cơ bị thừa nitrate và dư lượng các chất độc hại không ?

Đáp: Rau trồng trong mô hình Aquaponics không có nguy cơ bị thừa nitrate và dư lượng các chất độc hại, vì:

Khi bạn áp dụng mô hình trồng rau sạch Aquaponics từ đất, nước, phân bón, … sử dụng cho hệ thống đều được loại trừ các nguy cơ gây hại cho cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nên bạn có thể quản lý độ an toàn của rau củ quả được trồng. Trong đó:

-Đất trồng: Do sử dụng giá thể là những viên đất được nung phồng đến mức nhiệt độ hàng nghìn độ C đã loại bỏ hết thảy các nguy cơ gây hại cho cây trồng.

-Nguồn nước: Nguồn nước sạch được tuần hoàn trong hệ thống một cách liên tục nên các nguy cơ gây hại tiềm ẩn cho cây trồng cũng không còn.

-Phân bón: Sử dụng chất thải hữu cơ của cá để làm nguồn phân an toàn cho rau trồng. Mô hình này khép kín hoàn toàn nên cũng giảm thiểu đến mức tối đa dư lượng độc hại của rau củ quả.

-Thức ăn cho cá: Thực phẩm thừa hoặc thức ăn cho cá được chế biến sẵn (loại không có chất kích thích tăng trưởng hay kháng sinh).

-Lắp đặt tại nhà: Mô hình Aquaponics được lắp đặt tại nhà nên các yếu tố như khói, bụi hay thuốc trừ sâu đều tránh được hoàn toàn.

Câu hỏi 7: Nếu trong mô hình trồng rau sạch Aquaponics thiếu chất dinh dưỡng thì có thể bỏ thêm phân bón hoá học hoặc các dưỡng chất vô cơ vào được không?

Đáp: Nếu trong mô hình trồng rau sạch Aquaponics thiếu chất dinh dưỡng thì KHÔNG thể bỏ thêm phân bón hoá học hoặc các dưỡng chất vô cơ vào được.

Vì như trên đã phân tích, Aquaponics là hệ sinh thái khép kín với sự có mặt bắt buộc của 3 yếu tố cá, cây trồng và vi sinh vật. Nguyên tắc hoạt động cũng cho thấy sự tự cung tự cấp của mô hình giúp cây và cá phát triển theo cách cộng sinh mà không cần nhờ đến bất kỳ một sự hỗ trợ nào khác từ bên ngoài. Nếu bạn thêm phân bón hóa học hoặc các dưỡng chất vô cơ vào hệ thống, hệ sinh thái bị mất cân bằng và cá sẽ chết. Khi cá không còn trong hệ thống dĩ nhiên cây trồng cũng khó có chất dinh dưỡng để hấp thụ.

Câu hỏi 8: Nếu mô hình trồng rau sạch Aquaponics bị thiếu chất thì bổ sung bằng cách nào?

Đáp:

Khi hệ Aquaponics vừa được đưa vào hoạt động, hệ thống rất dễ bị thiếu chất, đó là các nguyên tố vi lượng, bạn cần phải bổ sung. Lưu ý, bạn chỉ được thêm vào hệ thống chất dinh dưỡng ở dạng hữu cơ cũng như loại vi sinh vật có thể phân huỷ chất hữu cơ đó.

Bạn chỉ quan tâm bổ sung nguyên tố vi lượng trong khoảng thời gian 6 tháng đầu là đủ, vì sau đó hệ thống sẽ có khả năng tự sản sinh các dưỡng chất cần thiết.

Câu hỏi 9: Cá trong hệ thống nên cho ăn bao nhiêu là đủ?

Đáp:

Vì là hệ sinh thái tuần hoàn khép kín nên bạn không nên cho cá ăn quá nhiều. Tốt nhất là cho ăn từ từ khi nào thấy cá không còn tranh đớp nhau ăn là được. Tránh đổ dư thức ăn cho cá vào trong nước. Bởi cá ăn nhiều amoniac thải ra sẽ nhiều hơn. Khi đó các vi sinh vật phân huỷ nitrate nhiều khiến cây trồng không hấp thụ được hết gây tác động ngược khiến môi trường sống của vi sinh vật bị ức chế. Thậm chí gây độc cho môi trường nước của cá

Bạn nên giảm lượng thức ăn cho cá khi trời lạnh hoặc khi số lượng cây trồng trên hệ thống thưa thớt. Và ngược lại, khi nhiều cây bạn nên tăng lượng thức ăn cho cá lên hoặc điều chỉnh bằng cách tăng số lần cho cá ăn/ngày.

Câu hỏi 10: Làm sao để biết mô hình trồng rau sạch Aquaponics hoạt động hiệu quả hay không?

Đáp:

-Hình thức: Nước trong, rau tăng trưởng nhanh, cá khỏe mạnh.

-Thông số:

  • Nồng độ pH từ 6 đến 7 nồng độ amoniac dưới 0,5 mol/ lít.
  • Nồng độ Nitrite dưới 0,5 mol/ lít, nồng độ nitrate từ 50 đến 150 mol/ lít.

Trên đây là 10 câu hỏi thường gặp về mô hình trồng rau sạch Aquaponics. Nhà Đẹp Số hy vọng bài viết đã giải đáp phần nào thắc mắc của bạn khi chăm sóc rau sạch tại nhà với mô hình Aquaponics

Xem thêm:

Rate this post

Trả lời